Thứ Năm, 19 tháng 5, 2011

Cách học tập đạo đức Bác Hồ chưa đúng

PV Quốc Doanh

Nói chưa đúng là vì học nhiều năm rồi, tốn rất nhiều tiền, mà chưa có kết quả. Giáo sư Nguyễn Đình Hương, nguyên Trưởng ban Bảo vệ Chính trị Nội bộ Trung ương Đảng, đã nói khá rõ trong bài về ba thách thức của Đảng hiện nay: suy thoái đạo đức của đảng viên mang tính phổ biến, tiêu cực trong Đảng lan tràn, sự đoàn kết thống nhất không còn.
Không phải tại đạo đức Bác Hồ, cũng như phật tử hư hỏng không phải vì Phật Tổ, con chiên hư hỏng không phải vì Chúa Jesus. Ở đây, học chưa có kết quả, không phải vì nội dung học mà vì cách học. Như học theo lời răn của Phật Tổ hay Chúa Jesus, thành công phụ thuộc rất nhiều vào những người truyền bá, tập trung vào các vị “đại diện” là nhà sư, linh mục. Nếu “đại diện” không ra gì thì việc truyền bá thất bại. “Miệng nam mô bụng một bồ dao găm” thì nói không ai tin.

Trung Quốc sẽ xuất khẩu lò phản ứng hạt nhân sang Việt Nam


Tin Asia News cho biết Trung Quốc, nước xây dựng các nhà máy điện hạt nhân lớn nhất trên thế giới, đang định xây thêm các nhà máy điện hạt nhân thế hệ thứ hai tại các quốc gia láng giềng như Việt Nam, Malaysia, Thái Lan, Singapore, và Pakistan.

Ngoài ra, từ nay đến năm 2020, Bắc Kinh cũng muốn gia tăng sản lượng hạt nhân dân sự trong nước lên gấp 6 lần.

Sau thảm họa hạt nhân tại Fukushima, Nhật Bản, Trung Quốc đã tăng cường công tác bảo đảm an toàn hạt nhân của mình.

Trung Quốc lại làm phức tạp tình hình Biển Đông

Hiền Anh
- Mới đây, Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc đã công bố Báo cáo phát triển hải dương Trung Quốc năm 2011.

Báo cáo này tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông và 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, in một số bản đồ có vẽ “đường lưỡi bò” ở Biển Đông, nêu kế hoạch triển khai tự thăm dò, khai thác dầu khí ở khu vực quần đảo Trường Sa và mở tuyến du lịch ra quần đảo Hoàng Sa.
Hoàng Sa, Trường Sa là bộ phận không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Ảnh: Minh Thăng
Ngày 16/5, Tân Hoa Xã đưa tin công ty ChinaMobile tuyên bố đã mở rộng cung cấp dịch vụ điện thoại di động tại khu vực quần đảo Trường Sa.

Về vấn đề này, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ "việc làm nêu trên của phía Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này, vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982".

Đại diện Bộ Ngoại giao khẳng định mọi hoạt động của các nước khác bao gồm việc công bố các báo cáo, ban hành các văn bản pháp lý liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam mà không được Việt Nam chấp thuận "đều không có giá trị pháp lý".

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo, coi trọng quan hệ hai nước, tăng cường xây dựng lòng tin, không nên có những hành động làm phức tạp thêm tình hình trên biển.
Trước đó, vào ngày 6/5, mạng tin tức Trạm Giang cho hay, tàu ngư chính Lôi Châu 44261 của Trung Quốc đi tuần tra vùng biển quần đảo Hoàng Sa từ ngày 5 - 25/5.
Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp phía Trung Quốc nêu rõ việc tàu ngư chính Lôi Châu của Trung Quốc đi tuần tra vùng biển quần đảo Hoàng Sa đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam, gây khó khăn cho các hoạt động đánh bắt bình thường của ngư dân Việt Nam tại ngư trường quen thuộc của mình, làm phức tạp thêm tình hình trên biển.
Thêm một động thái nữa, ngày 11/5, trang thông tin của chính quyền thành phố Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc đăng "Thông báo về phương án công tác quản lý mùa nghỉ đánh bắt cá ở khu vực Biển Đông năm 2011" từ 12 giờ ngày 16/5 đến 12 giờ ngày 1/8, phạm vi bao gồm cả một số vùng biển của Việt Nam. Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp phía Trung Quốc để phản đối việc làm này.

Phi lý “lệnh” cấm đánh cá biển Đông

Tuyết Yến

(VOV) - Lệnh cấm của Trung Quốc chỉ có hiệu lực đối với ngư dân Trung Quốc, trên vùng biển Trung Quốc. Ngư dân Việt Nam vẫn tiếp tục ra khơi trên vùng biển của mình
Mới đây, trang thông tin của Chính quyền thành phố Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc đăng tải “Thông báo về phương án công tác quản lý mùa nghỉ đánh cá ở khu vực biển Đông năm 2011” từ 12h ngày 16/5 đến 12h ngày 1/8/2011, phạm vi bao gồm một số vùng biển của Việt Nam. Đây là một thông báo hết sức phi lý, vi phạm công ước của Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982 và vi phạm Tuyên bố về các ứng xử của các bên tại biển Đông, làm cho tình hình biển Đông phức tạp thêm.
Rõ ràng việc ra “lệnh” cấm đánh bắt cá của Trung Quốc chỉ có giá trị đối với ngư dân Trung Quốc và đương nhiên cũng chỉ có giá trị trên các vùng biển của Trung Quốc. Việc gửi thông báo này tới ngư dân của nhiều nước có ngư trường trên biển Đông, trong đó có ngư dân Việt Nam, là một việc hết sức phi lý.
Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, các quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình theo công ước của Liên hiệp quốc về luật biển năm 1982. Việc Trung Quốc đơn phương thi hành lệnh cấm đánh bắt cá ở biển Đông là vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển đảo và lãnh hải này.
Phải khẳng định rằng, Trung Quốc không hề là “ông chủ” trên biển Đông và cũng không có luật pháp quốc tế nào công nhận điều đó. Từ bao đời nay, ngư dân Việt Nam vẫn đánh cá ở những vùng biển quen thuộc của mình thuộc lãnh hải Việt Nam theo đúng luật pháp quốc tế. Với những vùng biển đang có tranh chấp trên biển Đông, thì không chỉ có ngư dân Trung Quốc hay Việt Nam đánh cá ở đó, mà còn có ngư dân của nhiều quốc gia khác trong khu vực. Ở nơi đó, một “lệnh” đơn phương của một quốc gia nào cấm đánh bắt cá cũng là không thích hợp và trái luật pháp quốc tế.
Với phương châm “tạo dựng biển Đông thành một vùng biển hoà bình và hợp tác”, Việt Nam luôn hướng giải quyết những tranh chấp, xung đột trên biển một cách hòa bình, trên tinh thần hợp tác, tôn trọng lẫn nhau. Ứng xử trên biển Đông đòi hỏi không một quốc gia nào có thể làm trái với luật lệ quốc tế, và cũng không một quốc gia nào đưa ra luận điểm ngang ngược kiểu “biên giới mềm” để từ đó coi vùng đất, vùng biển của các nước khác có thể bị xê dịch bằng thứ lý lẽ lấy được.
Đây cũng không phải lần đầu tiên Trung Quốc đơn phương đưa ra “lệnh” cấm vô lý này. Và cũng không phải lần đầu tiên Việt Nam chính thức bác bỏ nó. Lệnh cấm của Trung Quốc chỉ có hiệu lực đối với ngư dân Trung Quốc, trên vùng biển Trung Quốc. Ngư dân Việt Nam vẫn tiếp tục ra khơi trên vùng biển của mình. Vì chủ quyền quốc gia, vì cuộc sống của gia đình mình, ngư dân Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục ra khơi đánh cá trên những vùng biển quen thuộc. Bây giờ đang là vụ cá nam, vụ cá lớn nhất trong năm. Vì thế, không có lý do gì ngư dân phải nằm bờ trong khi mùa cá đang vẫy gọi họ.
Những ngư dân Việt Nam làm công việc quen thuộc từ bao đời nay và khiêm nhường xin lộc biển. Hành trang mà họ mang theo khi vươn khơi chính là tình yêu biển quê hương, là mục tiêu lao động nghề cá để nuôi sống gia đình. Họ là sứ giả của hoà bình và hữu nghị giữa những người đánh cá trên biển Đông không phân biệt quốc tịch.
Những người con của biển vẫn vươn khơi để mang về những mẻ cá đầy. Chứa đựng trong đó là niềm kiêu hãnh và sự tự hào. Và họ biết mình không hề đơn độc./.

Lục lại tài liệu chiến tranh Việt Nam Phần 25

CWIHP (Cold War International History Project – Đề án Lịch sử Quốc tế về Chiến tranh Lạnh)
Ngọc Thu dịch
Thảo luận giữa Chu Ân Lai và Phạm Hùng
29-06-1968
Mô tả: Trung Quốc tư vấn Việt Nam chống lại lập trường đàm phán yếu ớt với Hoa Kỳ; Trung Quốc cũng cảnh báo chống lại áp lực của Liên Xô để thương lượng.
Chu Ân Lai: … Rất tốt là hôm nay các ông cho chúng tôi biết rõ, rằng các ông đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh kéo dài. Những cuộc tấn công gần đây của các ông vào các thành phố chỉ nhằm mục đích cản trở lực lượng của kẻ thù, giúp công tác giải phóng các khu vực nông thôn, huy động lực lượng lớn ở các khu đô thị. Tuy nhiên, tất cả đều không mang tính quyết định.
Những người theo chủ nghĩa xét lại của Liên Xô tuyên bố rằng, các cuộc tấn công vào Sài Gòn là tấn công thật, rằng chiến thuật sử dụng các vùng nông thôn để bao vây các khu thành thị là sai và rằng tiến hành một cuộc đấu tranh kéo dài là một sai lầm. Theo họ, chỉ tấn công nhẹ vào các thành phố lớn là quyết định. Nhưng nếu các ông làm [như thế], Hoa Kỳ sẽ vui mừng, khi họ có thể tập trung lực lượng để phản công, do đó gây nên sự tàn phá lớn hơn cho các ông. Thiệt hại mà các ông gánh chịu sẽ đưa đến chủ nghĩa bại trận về phía các ông. Và Liên Xô sẽ khai thác tình hình này để gây áp lực nhiều hơn cho các ông, buộc các ông phải thương lượng.
Các ông chấp nhận chấp nhận đàm phán với Mỹ là đặt mình vào thế thụ động. Các ông bị Liên Xô cho vào bẫy. Bây giờ, Johnson có sáng kiến. Đối mặt với khó khăn, ông ta ra lệnh ném bom một phần. Và khi ông ta ít khó khăn hơn, ông ta sẽ tiếp tục ném bom, và khi ông ta gặp nhiều khó khăn hơn, một lần nữa ông ta sẽ trở lại ném bom một phần.
Thực tế, gần đây, việc ném bom đã trở nên dữ dội hơn, tập trung vào một khu vực nhỏ hơn, gây thiệt hại nhiều hơn cho các ông và tạo ra nhiều trở ngại hơn cho sự hỗ trợ của các ông ở miền Nam. Các ông chấp nhận việc ném bom một phần của họ, và đồng ý nói chuyện với họ, đã làm cho vị thế hiện tại của họ tốt hơn so với vị thế của họ năm 1966 và 1967. Mặc dù các ông vẫn duy trì các nguyên tắc của mình trong đàm phán, các ông đã giảm số lượng khó khăn của họ trong cuộc bầu cử năm nay. Đây là lỗi lầm của Liên Xô. Từ lâu, Liên Xô có những người làm tay sai cho Mỹ và giúp Mỹ chống lại những người làm cách mạng trên thế giới ….
Chúng tôi đã lên một danh sách những lỗi lầm mà Liên Xô đã phạm. Chúng tôi muốn chuyển cho Chủ tịch Hồ Chí Minh xem xét.
Không lâu trước đó, những người Liên Xô hợp tác với Hoa Kỳ, đề ra hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Liên Hiệp Quốc, nhằm chống lại Trung Quốc. Nhưng hiệp ước đó không áp dụng lên Trung Quốc. Hiệp ước này được thiết kế để ngăn cấm phát triển vũ khí hạt nhân của một số nước khác ngoài Hoa Kỳ và Liên Xô bởi vì nó không cho phép dự trữ hạt nhân hoặc thử nghiệm dưới lòng đất. Hiệp ước này cấm các nước không có ngành công nghiệp hạt nhân phát triển khả năng hạt nhân. Đây là hành động của chủ nghĩa thực dân mới Liên Xô, chủ nghĩa thực dân mới hạt nhân Liên Xô. Liên Xô đã trở thành một nước đế quốc chủ nghĩa xã hội.
… Ngày 27 tháng 6, Gromyko có bài phát biểu trước Xô viết Tối cao. Bài phát biểu này đã được các phương tiện truyền thông đại chúng đế quốc hoan nghênh rộng rãi.
Ghi chú
1. Chu Ân Lai tiếp phái đoàn Việt Nam và đã có các cuộc hội đàm từ 11giờ sáng đến 6 giờ chiều. Những người tham gia các cuộc đàm phán phía Trung Quốc gồm: Chu Ân Lai, Khang Sinh, Lý Tiên Niệm, Diệp Kiếm Anh, Lý Tường (Bộ trưởng Bộ Ngoại thương Trung Quốc), Hàn Niệm Long. Phía Việt Nam gồm có: Phạm Hùng, Ba Long, Lý Ban, Ngô Minh Loan.
Nguồn: http://www.wilsoncenter.org/index.cfm?topic_id=1409&fuseaction=va2.document&identifier=5034CD12-96B6-175C-93C67CED7DF9C44F&sort=subject&item=US,%20negotiations%20with%20Vietnam
Người dịch gửi trực tiếp cho BVN.