Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2011

Đạo của chính trị


Đỗ Xuân Hùng
Tác giả gửi trực tiếp cho X-CafeVN
Lão tử nói rằng, đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật. Vạn vật sau đó lại trở về với đạo.
Nếu hiểu theo nguyên lý âm dương ở đây, thì đạo là vô cực, vô cực động sinh ra thái cực (nhất), thái cực động sinh ra âm dương (nhị), từ âm dương sinh ra tứ tượng, bát quái (tam – trung gian), rồi sinh ra vạn vật. Vạn vật sau đó lại trở về với đạo. Đó là cái vòng tuần hoàn sinh tử luân hồi của vạn vật tự nhiên.
Nếu ứng dụng cái tư tưởng triết học này vào nền chính trị tây phương, thì chúng ta có thể thấy rằng nó cũng vận hành theo nguyên lý tương tự. Tức là trong một quốc gia dân chủ thì bao giờ nó cũng hình thành hai đảng phái chính đối lập nhau như dân chủ, cộng hòa hay cách tả, cách hữu, …thậm chí đến quốc hội còn phải chia ra làm lưỡng viện (hạ viện và thượng viện) và nhiều các tổ chức nghiệp đoàn, các tổ chức phi chính phủ khác, … nên người ta hay gọi là đa nguyên đa đảng. Từ cái hệ thống chính trị đa nguyên đa đảng này mà con người và vạn vật được sinh sống và phát triển trong tự do dân chủ công bằng bác ái hạnh phúc thịnh vượng.

Các đảng phải chính trị, các tổ chức này nó sẽ tác động qua lại, chuyển hóa lẫn nhau, khống chế, bổ sung lẫn nhau, cái này nó suy đồi hay không con thích nghi nữa thì ta chuyển qua cái khác, mà không chịu sự phụ thuộc lệ thuộc vào bất kỳ đảng phải hay tổ chức nào, nó tránh được những cái thái quá, cực đoan, đi trên con đường trung đạo.
Còn “đạo” ở đây là gì? Đạo chính là quốc gia và người dân sinh sống trong đó, từ đó họ xây dựng lên một hệ thống chính trị với các đảng phải và tổ chức khác nhau như trên. Từ Đạo (quốc gia và người dân) nó sinh ra Thái cực, âm dương, tứ tượng, bát quái (đa nguyên, đa đảng), và từ đây nó sinh ra vạn vật (con người và vạn vật được sinh sống và phát triển trong tự do dân chủ công bằng bác ái hạnh phúc thịnh vượng). Còn từ vạn vật mà trở về với đạo, với tự nhiên nó giống như kiểu các tổ chức đảng phái suy đồi trở lại với thời điểm nó chưa sinh ra, hoặc con người trong đó về hưu hay không còn nắm quyền nữa thì lại trở thành những người công dân bình thường, … và nó sẽ lại được thay thế bởi những tổ chức mới, đảng phái mới, con người mới, …
Nhưng nếu nhìn sang các quốc gia độc tài thì chúng chỉ có một đảng phái duy nhất, tức chí có dân chủ hoặc cộng hòa, cánh tả hoặc cánh hữu, nên mặc dù nó có nhiều các tổ chức nghiệp đoàn đi chăng nữa thì cũng đều do cái “độc đảng” này nó thao túng hay nắm giữ, nên chế độ độc tài là chế độ nhất nguyên nhất đảng, trong cái chế độ chính trị đó con người phải sống trong cảnh bị khống chế, kiềm kẹp, phiến diện, một chiều theo chuẩn mực khuôn khổ của kẻ cầm quyền mà chúng gọi là “lề phải” chẳng hạn, còn ai dám nhảy sang “lề trái” để sống tự do dân chủ theo ý của mình thì coi như là chống lại chúng, liền bị chúng đàn áp.
Nên ta thấy rằng nền chính trị tây phương nó vận hành theo nguyên tắc của đạo, với các mặt âm dương đối đãi bổ sung lẫn nhau, còn trong các chế độ độc tài thì chỉ có âm hoặc dương, còn những cái còn lại đều do cái này sinh ra hoặc khống chế cả.
Nếu áp dụng cái tư tưởng này vào việc giải thích vấn đề biểu tình và đàn áp biểu tình ở các quốc gia dân chủ và độc tài thì nó sẽ khác nhau về bản chất.
Ở các quốc gia tự do dân chủ, vấn đề biểu tình nó chỉ xảy ra khi mà người dân đang có những vấn nạn mà đảng cầm quyền chưa giải quyết hay không giải quyết được, nó buộc đảng cầm quyền phải cải cách, thay đổi chính sách hoặc họ sẽ phải bị thay thế bởi một đảng phái khác tốt hơn. Chứ nó không thể bị đàn áp chỉ vì nó mâu thuẫn với lợi ích của đảng cầm quyền.
Còn ở trong các quốc gia độc tài thì chỉ cần nó mâu thuẫn với lợi ích của đảng cầm quyền là chúng lập tức đàn áp, không cần biết là biểu tình hay là gì khác.
Nên khi ta thấy một sự đàn áp người dân trong một chế độ dân chủ là bởi vì những người dân đó đã gây ra bất lợi hay mối họa cho không chỉ một đảng phải mà tất cả các đảng phải, không chỉ một tổ chức mà hầu hết các tổ chức, thậm chí nó còn chống lại cả người dân do một thiểu số nhóm quá khích, cực đoan, cuồng tín hay bệnh hoạn nào đó gây ra.
Còn khi thấy một sự đàn áp trấn áp người dân nào đó xảy ra trong các chế độ độc tài không cần biết đó là vấn đề biểu tình, tôn giáo hay là bất kỳ vấn nạn nào khác là bởi vì nó mâu thuẫn hay đe doa đến lợi ích của đảng cầm quyền.
Chẳng hạn như việc đàn áp các cuộc biểu tình bạo động cướp phá của người dân Anh Quốc hay chống Khủng Bố của Hoa kỳ, … là bởi vì nó đi ngược lại lợi ích của đa số, của tất cả các đảng phái, tổ chức và người dân.
Nhưng đối với những quốc gia độc tài độc đảng thì dù có là biểu tình ôn hòa hay là yêu nước hay là những vấn đề tôn giáo tốt đời đẹp đạo đi chăng nữa thì vẫn bị đàn áp như thường, đơn giản bởi vì nó mâu thuẫn với lợi ích của đảng cầm quyền.
Còn đương nhiên không đời nào bọn độc tài hay cộng sản lại vỗ ngực tự xưng hay tự nhận ta là những kẻ tham tàn được. Nên chúng sẽ tìm mọi cách để ngăn chặn, bưng bít thông tin, tung hỏa mù, lập lờ đánh lận con đen, biến đen thành trắng, biến trắng thành đen, so sánh khập khiễng khiên cưỡng, sự tiếp cận về dân chủ nhân quyền là khác nhau (trong khi nó là các giá trị phổ quát), hoặc là xử lý theo hiến pháp và pháp luật, trong khi thực tế lại sử dụng luật rừng,… Tóm lại là đủ mọi âm mưu thủ đoạn để hòng che đậy hay qua mặt nhân dân trong nước và thế giới, để cho người ta lầm tưởng rằng đó vẫn là một quốc gia tự do dân chủ và họ vẫn tôn trọng quyền con người trong tất cả các lĩnh vực vì họ là thành viên của công ước quốc tế về nhân quyền:
"Nhưng chúng tôi tôn trọng quyền con người trong tất cả các lĩnh vực vì chúng tôi là thành viên của công ước quốc tế về nhân quyền - Phạm Bình Minh.
Nên những quốc gia nào mà nền chính trị của nó vận hành theo nguyên lý của đạo với các mặt đối lập âm dương bổ sung lẫn nhau thì nó sẽ phát triển hài hòa ổn định bền vững lâu dài thịnh vượng hạnh phúc, … Còn những quốc gia nào vận hành trái với qui luật tự nhiên, trái với đạo, thì nó sẽ nhanh chóng đi đến khủng hoảng, suy đồi, diệt vong hoặc chế độ cầm quyền sẽ bị lật đổ, tiêu diệt để thay thế bằng một chế độ chính trị hợp đạo lý hơn.
Tài liệu tham khảo:
1. Lão tử - Đạo đức kinh - Nguyễn Hiến Lê
2. Kinh Dịch - Đạo của người quân tử - Nguyễn Hiến Lê
3. Hiến pháp mỹ được làm ra như thế nào? - Nguyễn Cảnh Bình
4. Đạo của vật lý - Fritjof Capra
Đỗ Xuân Hùng
Thành Phố Thanh Hóa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét